Mấy ngày tết Giáp Ngọ, tôi ở nhà đọc Nguyễn Trí. Người ta đi chơi bời, nhậu nhẹt rầm rầm, tôi ở nhà ôm cuốn sách đọc ngấu nghiến, kể cũng lạ. Nhưng Nguyễn Trí là ai mà có vẻ hấp dẫn vậy? Là nhà văn. Huề vốn. Đất nước này biết bao nhiêu là nhà văn. Mỗi năm biết bao nhiêu cuốn sách ra lò, vậy mà đâu phải cuốn nào cũng đọc được. Riết rồi cái “mác” nhà văn cũng không “áp phê” lắm.
Đang xem: Bãi vàng đá quý trầm hương
Nguyễn Trí còn là tay đào vàng, “săn” trầm hương, là thầy giáo, tay nấu đường lậu, chạy xe ôm, đồ tể vân vân và vân vân…. Cái này lạ à! Sao mà nhiều cái nó không có dính dáng gì với chuyện viết văn hết vậy cà? Mà chuyện đời tư của một nhà văn đôi khi cũng chẳng ăn nhập đến chất lượng tác phẩm đâu. Biết bao nhiêu người có cái lý lịch trích ngang “hoành tráng lệ” luôn, nhưng khi đọc tác phẩm thì chao ôi là thất vọng. Bởi vậy, xem cái lý lịch của tay này cũng ấn tượng đấy, nhưng chưa đủ thuyết phục đâu. Phải đọc tác phẩm rồi mới biết.
Đọc tác phẩm của Nguyễn Trí rồi mới biết, nó hấp dẫn từ những trang đầu tiên. Tại sao ư? Bởi nhà văn đã viết bằng chính những trải nghiệm của ông. Những năm tháng “xông pha trận mạc” nơi rừng thiêng nước độc, làm những công việc trời ơi đất hỡi, tiếp xúc với những con người đất hỡi trời ơi đã giúp Nguyễn Trí có một vốn sống độc đáo, quý báu. Khi viết, chính những vốn sống ấy tạo giá trị cho trang văn. Mà cũng cần phải nói rõ, không phải bất kỳ ai có vốn sống cũng có thể nhào nặn nó thành trang văn. Phải biết xử lý thật khéo léo. Phải đưa nó vào một cách tự nhiên để thẩm thấu người đọc. Sơ sẩy một chút thì nó hỏng bét. Lạm dụng một chút là nó bội thực. Bởi vậy, người viết phải có kỹ thuật, phải cao tay. Nói một cách trừu tượng thì nhà văn phải có cái “duyên”.
Đọc Nguyễn Trí, ta thấy được cái duyên của người kể chuyện. Những ngõ ngách thẳm sâu trong cuộc đời của nhân vật được trưng ra mồn một dưới ngòi bút của ông. Đọc các truyện Bãi vàng, Đá quý, Giã từ vàng, Trầm hương, Cầm giùm đi… cứ thấy như lởn vởn quanh ta những con người đang lao vào cái gọi là “sinh nghề tử nghiệp”. Đó là những thước phim sống động về cuộc sống táo bạo, gian khổ và hiểm nguy của những con người cùng lối. Họ sẵn sàng đem tánh mạng ra đùa bỡn với tạo hóa. Không ít người bỏ xác nơi rừng sâu, chốn ma thiêng nước độc. Họ phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của thú dữ và cả sự đấu tranh sinh tồn với đồng loại. Mạnh được yếu thua. Sống nay chết mai là chuyện thường tình. Chính trong cái hoàn cảnh như thế mới xuất hiện những anh hùng hảo hớn, trọng nghĩa khinh tài. Những Thành Bụi (Bãi vàng), Minh Tàn (Giã từ vàng), Thu Râu (Đá quý) được tác giả xây dựng ít nhiều mang cảm hứng lãng mạn. Nhưng vẫn tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Bởi nó khiến người ta hả hê, tin tưởng vào cái ước mơ “đại nghĩa” tất thắng “hung tàn”. Họ là những nốt son trong cái thế giới nhầy nhụa mùi vàng, mùi gái gú son phấn rẻ tiền, mùi máu và mùi chết chóc.
Cách kể chuyện của Nguyễn Trí cũng là lạ. Nhà văn cứ như đang ngồi đối diện với người đọc, vừa kể chuyện vừa giải thích những chỗ khó hiểu (hoặc có thể khó hiểu). Nó tạo ra những chuỗi đối thoại linh hoạt. Có khi là đối thoại giữa nhân vật với nhau để dẫn dắt câu chuyện. Có khi nhân vật đối thoại với độc giả. Bằng cách này, người đọc có cảm giác mình cũng đứng đâu đó quanh câu chuyện, cũng có thể góp nhặt hoặc ít nhất là nghe ngóng những gì đang diễn ra. Và như thế thì câu chuyện trở nên sinh động hơn, xôm tụ hơn nhiều. Thử xem đoạn đối thoại giữa Sinh trọc và Thu râu trong Đá quý sẽ rõ:
“Sinh trọc lên tiếng:
– Anh ba nè… Anh đi bốn phương tám hướng, làm trầm, đãi vàng, đá quý. Em hỏi câu này được không?
– Hỏi. Biết tao nói, không biết thì thôi à.
– Làm sao biết chỗ nào có vàng, đá quý mà đào đãi?
Râu kẽm trầm ngâm hơi lâu lâu, rồi chiêu một hớp rượu:
– Cũng không khó hiểu lắm. Theo tao, trong thời nầy nó bắt đầu từ mấy tay bộ đội giải phóng miền Nam…” (Trích Đá quý; trang 82)
Cứ như thế, màn đối thoại được diễn ra liên tục bên mâm rượu. Sinh trọc hỏi, Thu râu trả lời. Và câu chuyện tìm đá quý được tái hiện vô cùng sinh động.
Xem thêm: Giá Một Khóa Học Phí Tiếng Anh Giao Tiếp, Học Phí Tiếng Anh Giao Tiếp
Trong Trầm hương, cách đối thoại này lại hoàn toàn khác:
“Sau giỏi võ, đẽo cây và vàng, ai cũng phải biết và phải có một bộ xỉa.
Xỉa là gì?
Là đồ nghề trong nghệ thuật nạo trầm. Bộ đồ này gồm bốn đến sáu cái. Từ nhỏ tí và mảnh như cái móc, cái báy để làm vệ sinh tai của thợ hớt tóc, đến lớn như cái đục vũng của thợ mộc. Tất cả phải ngọt, ngót và bén khủng khiếp để có thể nạo từng li, từng dem Kỳ Nam bám vào thịt của cây dó… Khó vậy sao? Mảnh dẻ vậy sao? Vậy mà nghe có ai đó trúng ký này ký nọ, sau một chuyến có khả năng thành triệu phú đô la. Ồ, có chứ, có bầu vô cả đôi chục ký không gì lạ cả. Nhưng – như đã nói – chỉ một phần trăm may mắn.” (Trích Trầm hương; trang 132-133).
Đối thoại ở truyện này chủ yếu là giữa nhà văn với độc giả. Từng câu hỏi được “nhân vật ẩn mình” (độc giả) nêu ra, nhà văn sẽ giải thích cặn kẽ. Cứ thế, câu chuyện sẽ diễn ra tự nhiên, gần gũi.
Khách quan mà nói, đọc tập truyện này, chắc chắn nhiều người sẽ nhận ra rằng, nhóm truyện sau có phần “nhẹ cân” hơn so với nhóm truyện đầu. Tuy so với nhiều truyện khác tôi đã đọc được ở đâu đó thì nhóm truyện sau trong tập này vẫn hấp dẫn. Có điều, sự nổi trội của nhóm truyện đầu (chủ yếu viết về cuộc sống ở rừng) đã làm cho nó trở nên lu mờ đi, “lép vế” đi phần nào. Trong nhóm này, tôi tâm đắc các truyện viết cuộc sống của những người công nhân trong khu công nghiệp. Chẳng ai có thể thống kê đầy đủ, chính xác số lượng công nhân đang làm thuê cho các ông chủ Tây, Tàu, Ta tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng ai cũng biết, số người làm ở đó nhiều lắm. Cứ nhìn các làng quê đi rồi sẽ rõ, đa phần ta chỉ gặp người già, trẻ em, rất ít thanh niên. Bởi vì thanh niên phần lớn đổ xô về khu công nghiệp hết rồi. Họ đi làm công nhân. Họ muốn thoát ra cái vòng lẩn quẩn của làng quê chật hẹp với ruộng nương bờ bãi. Họ muốn thử sức với máy móc công nghiệp với khát vọng đổi đời. Và họ phải đối mặt với biết bao nỗi nhục nhã ê chề, bao cạm bẫy đang rình rập. Văn chương ở ta rất ít khi đề cập đến đề tài này. Bởi vậy, khi đọc được những truyện như Nhờ nước mắt, Trại viên cũ quay về đông lắm chúng ta không khỏi xúc động, bàng hoàng về những gì đang diễn ra.
Mỗi câu chuyện là mỗi số phận, mỗi cảnh đời được nhà văn bắt gặp trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ của mình. Rồi ông tái hiện họ trên trang văn. Bởi rất thật nên vô cùng sinh động. Đọc đến đâu cũng gặp những kiếp người cùng khổ. Nhưng truyện nào cũng thấm đẫm tình người. Đó là cái giúp ta bám víu vào để hướng đến những gì tươi đẹp trong cuộc sống.
Xem thêm: Mang Thai Nhi Tháng Thứ 7 Đạp Nhiều Có Bình Thường Không? 4 Dấu Hiệu Của Một Thai Nhi Khỏe Mạnh
351 trang sách khổ 13×20; 16 truyện ngắn; 16 câu chuyện đời với biết bao số phận khác nhau; nhiều nhân vật đã đóng đinh trong lòng độc giả. Bấy nhiêu đó là quá đủ cho xuất hiện đầu tiên nhưng đầy ấn tượng của Nguyễn Trí trên văn đàn Việt Nam đương đại. Tập truyện được Giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là sự ghi nhận vô cùng đích đáng. Nhưng tôi, cũng như rất nhiều độc giả, vẫn háo hức chờ đợi những tác phẩm mới của Nguyễn Trí “ra lò”.